Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất xây dựng dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019 trong thời gian qua cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.
Thứ nhất, việc phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để, một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn. Việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn (bao gồm cả việc bổ sung danh mục dự án mới so với danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội để ban hành Kế hoạch đầu tư công trung hạn) chủ yếu được điều chỉnh thông qua các Nghị quyết của Quốc hội.
Theo đó cần báo cáo Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa 2 kỳ họp Quốc hội để xem xét, cho ý kiến trước khi giao cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh. Thủ tướng chỉ quyết định trong trường hợp điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong nội bộ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nếu không làm thay đổi cơ cấu ngành, lĩnh vực trong nội bộ bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định. Quy định nêu trên dẫn đến phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Thứ hai, một số nội dung còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể hoặc còn có nhiều cách hiểu đối với cùng một nội dung, gây lúng túng cho các bộ, cơ quan và địa phương trong quá trình triển khai như các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, định nghĩa nợ đọng xây dựng cơ bản, phạm vi dự án sử dụng vốn đầu tư công và nhiệm vụ sử dụng chi thường xuyên, quy định về thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư…
Thứ ba, một số tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 như: Việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện trong một số trường hợp còn chậm gây khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện; chất lượng của công tác chuẩn bị đầu tư dự án còn chưa bảo đảm yêu cầu, việc phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án còn mang tính hình thức, chủ yếu để đủ điều kiện bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn….
Do đầu tư công càng ngày càng đóng vai trò quan trọng, là một trong các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm cho người dân và doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và về lâu dài góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phục vụ cho phát triển nên cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công để hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư công nhằm tối ưu hóa, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Từ những vướng mắc, khó khăn nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm chính sách gồm:
Chính sách 1: Tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; phát huy các ưu điểm của Luật Đầu tư công năm 2019, không gây xáo trộn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, luật hóa các chính sách đặc thù thí điểm đã phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua.
Chính sách 2: Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công phù hợp với năng lực quản lý và thực tế, tiếp tục chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tiền kiểm sang hậu kiểm.
Chính sách 3: Đa dạng hóa các hình thức, phương thức quản lý, thực hiện dự án phù hợp với thực tế và năng lực triển khai, huy động tối đa năng lực quản lý và nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác trong thực hiện dự án đầu tư công.
Chính sách 4: Quy định rõ một số nội dung còn phát sinh cách hiểu khác nhau và bổ sung một số quy định trong Luật.
Chính sách 5: Quy định một số nội dung đặc thù đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.
Tính đến hết ngày 30/6, ước tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công là 28% kế hoạch, đạt 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 28,63% kế hoạch và đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Đến hết tháng 6/2024 có 12/44 bộ, cơ quan trung ương và 37/63 địa phương có tỉ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Hiện vẫn còn 32/44 bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt có một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp hoặc có tỉ lệ giải ngân 0% như Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội…. Riêng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tỉ lệ giải ngân 0% do chưa phân bổ kế hoạch vốn.
Một số địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 15% như Hải Dương, Bắc Ninh, TP.HCM, Hưng Yên. Các số liệu cũng cho thấy, tình hình thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia đạt cao hơn so với tỉ lệ giải ngân bình quân chung 5 tháng của cả nước. Đến hết ngày 31/5/2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 21.920,18 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,1% kế hoạch năm 2024 được giao.