Hội thảo “Góp ý về chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm” vừa diễn ra tại TP.HCM do 6 Hiệp hội và Hội tổ chức, với mong muốn tháo gỡ các bất cập đã tồn đọng quá lâu do Nghị quyết 19/2018/NĐ-CP chưa thực hiện.

6 Hiệp hội và Hội gồm: Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hội Sản xuất nước mắm TP Phú Quốc, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.

Vào tháng 1/2016, Chính phủ ban hành nghị định 09, quy định về tăng cường vi chất vào thực phẩm, trong đó tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 6 quy định muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt, và bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm, khi nghị định này được ban hành tại thời điểm đó cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm gặp nhiều quan ngại và khó khăn

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chúng tôi đã có nhiều kiến nghị, phân tích, phản biện trình lên chính phủ và Bộ Y tế trong thời gian qua. Với những bất cập đó thì vào năm 2017, Bộ Y tế đã ban hành công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chỉ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối i ốt, ko kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có muối i ốt. Tuy nhiên về cơ bản, công văn này chỉ tháo gỡ cho công nghiệp ngành thực phẩm ở khâu kiểm tra, còn bản chất quy phạm pháp luật của Nghị định 09 vẫn còn nguyên, chưa giải quyết được các kiến nghị của hiệp hội về khó khăn bất cập mà doanh nghiệp ngành đang đối mặt”.

Cũng theo bà Chi, sau nhiều báo cáo phản ánh, kiến nghị hợp lý của các doanh nghiệp thực phẩm, vào năm 2017, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 19, trong nghị quyết nêu rõ Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi bổ sung Nghị định 09 theo hướng bãi bỏ quy định muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được bổ sung muối i ốt tại Điểm a Khoản 1 Điều 6, bãi bỏ quy định bột mì được dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm tại Điểm b Khoản 1 Điều 6, thay vào đó chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng. Thế nhưng kế hoạch này nay đã hơn 6 năm vẫn chưa thấy kết quả.

20240715_134522.jpg

Tới nay, dự thảo Nghị định sửa đổi do Bộ Y tế chủ trì vừa xây dựng xong và đang gửi lấy ý kiến góp ý từ các Bộ Ngành, các tổ chức quốc tế và một vài Hiệp hội Ngành thực phẩm. Tuy nhiên, theo các Hiệp hội, dự thảo này vẫn chưa đề cập việc sửa đổi Điều 6 khoản 1, Nghị định 09 quy định về sử dụng muối i-ốt và bột mì trong chế biến thực phẩm, như Nghị quyết 19 đã nêu.

Do đó nội dung của Dự thảo hầu như giữ nguyên các quy định bất cập của nghị định 09, và gây hoang mang quan ngại cho các ngành thực phẩm. Bà Chi nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định rằng những lập luận của Dự thảo hoàn toàn không phù hợp với cơ sở chính trị pháp lý, thiếu cơ sở khoa học, gây khó khăn cho doanh nghiệp, không phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và báo cáo tác động chính sách chưa đầy đủ và chưa có cơ sở chính phủ”.

Phát biểu trong buổi hội thảo, chuyên gia về an toàn thực phẩm ông Vũ Thế Thành – Thành viên hội tư vấn khoa học thuộc Sở Án toàn thực phẩm thành phố HCM chia sẻ: “Độ tin cậy của nghiên cứu rất quan trọng, Chính phủ trước khi đưa ra một chính sách nào đến các doanh nghiệp thì phải trình bày phương pháp nghiên cứu, quan sát để các doanh nghiệp nắm rõ được vấn đề. Hiện tại các doanh nghiệp chỉ nắm được kết quả nghiên cứu, tôi cho rằng đây chính là một điều đang gây cản trở và hoang mang với doanh nghiệp”.

Tiếp theo, ông Thành chỉ ra một số bất cập khi áp dụng chính sách bắt buộc các doanh nghiệp phải dùng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm, ông nhận định: “I-ốt rất dễ thăng hoa, những sản phẩm như mì gói chẳng hạn, khi người dân sử dụng để chiên xào thì xem như I-ốt trong đó bay hơi mất hết”. Trong lĩnh vực xuất khẩu, không phải đất nước nào trên thế giới cũng đồng ý sử dụng muối i-ốt, Nhật Bản là một ví dụ.

Cũng theo như chia sẻ của ông Thành: “Giả sử doanh nghiệp đang sản xuất một sản phẩm dùng trong nước có chứa muối i-ốt, thì cũng dây chuyền đó khi sản xuất cho sản phẩm xuất sang Nhật Bản sẽ phải súc rửa làm sạch, điều này khiến cho năng suất của doanh nghiệp trở nên kém hiệu quả”. Ông Thành cũng chia sẻ thêm, I-ốt được thêm vào muối ăn là một chất oxi hóa nặng, dùng trong chế biến thực phẩm sẽ rất dễ khiến sản phẩm bị biến đổi ngoại quan. Đồng tình với quan điểm đó, ông Đặng Thành Tài – Phó Chủ tịch Hội sản xuất Nước mắm Thành phố Phú Quốc bày tỏ: “Khi dùng muối i-ốt ướp cá cho quá trình chế biến nước mắm rất dễ làm nước mắm bị mất màu. Bởi vì màu nước mắm hữu cơ tự nhiên rất mong manh, nếu sản phẩm đưa ra thị trường không còn đúng với những gì người tiêu dùng hay sử dụng thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị giảm doanh thu sản phẩm”. Ông Tài cũng nhận định các sản phẩm trong nước sẽ thua thiệt với các sản phẩm cùng loại từ các doanh nghiệp nước ngoài bởi vì người dân không phải ai cũng có nhu cầu dùng thực phẩm có bổ sung i-ốt.

Cũng theo như ông Vũ Thế Thành trình bày trong buổi hội thảo. Thiếu i-ốt sẽ gây suy tuyến giáp, nhưng nếu thừa i-ốt thì cũng gây ra bệnh cường giáp, nếu thực phẩm nào cũng chứa i-ốt thì những người bị cường giáp sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu thụ. Về việc bổ sung sắt và kẽm, ông Thành cho rằng: “Rau củ quả và thịt bò đều có chứa sắt, còn i-ốt và kẽm đều có rất nhiều trong thịt cá. Tôi cho rằng việc tăng cường i-ốt và sắt, kẽm trong chế biến thực phẩm là không cần thiết”. Đồng ý với quan điểm đó, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, một lần nữa nhấn mạnh ngành thủy sản đã có những chứng minh rằng i-ốt, sắt, kẽm đều có trong thịt cá, đủ để cho người tiêu dùng bổ sung bằng con đường tự nhiên không cần thiết phải bổ sung thêm trong chế biến hoặc ướp thủy, hải sản.

Cộng đồng các doanh nghiệp và các hiệp hội về thực phẩm đều thống nhất, mong muốn chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 19/2018/NĐ-CP sẽ sớm được Bộ Y tế thực hiện, nhằm tháo gỡ các bất cập đã tồn đọng quá lâu. Giúp các Doanh nghiệp ngành thực phẩm yên tâm sản xuất kinh doanh và phát triển.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *