Làm thế nào để tạo ra động lực giúp TP.HCM tăng tốc trong 6 tháng cuối năm 2024 khi tốc độ tăng trưởng của quý II chậm lại so với quý I, TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia chia sẻ góc nhìn về vấn đề này.
Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm của TP.HCM ước tăng 6,46% so với cùng kỳ 2023. Nhưng vì tốc độ tăng trưởng của quý II chậm lại so với quý I nên tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm của TP.HCM lại thấp nhất khu vực Đông Nam bộ và 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
* Thưa ông, vì sao TP.HCM đang mất dần động lực tăng trưởng?
– Lâu nay động lực tăng trưởng của TP.HCM một phần dựa vào gia công và chế biến. Đến giờ không thể tiếp tục với thế mạnh gia công da giày, may mặc, chế biến nông sản… Vì vậy TP.HCM phải nhìn vào lợi thế mới để tạo ra động lực mới.
Cụ thể sức mạnh của TP.HCM là khoa học – công nghệ và đội ngũ trí thức, thế nên phải mạnh dạn từ bỏ các ngành kinh tế dựa vào gia công và tập trung vào các ngành kinh tế tri thức, khuyến khích DN sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới xanh, sạch.
Nhưng không nên so sánh chỉ số năng lực cạnh tranh của DN TP.HCM với DN ở các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái. Cũng không nên so sánh TP.HCM với một số thành phố mới phát triển gần đây nhờ vào những khu công nghiệp có nhiều DN FDI.
Mặc dù các chỉ số cạnh tranh đều được tính chung vào tốc độ tăng trưởng, nhưng có những tỉnh tốc độ tăng trưởng phần lớn dựa vào đầu tư trực tiếp từ DN nước ngoài, do đó số liệu tốc độ tăng trưởng tuy cao song giá trị gia tăng lại thấp. TP.HCM phải thoát khỏi trực trạng này, phải tập trung vào đúng thế mạnh là công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới. Muốn vậy, phải đầu tư vào đội ngũ trí thức.
* Có như vậy DN TP.HCM mới nâng cao được năng lực cạnh tranh, phải không, thưa ông?
– DN TP.HCM cần phải đầu tư rất nhiều vào nhân lực bậc cao để phát triển, ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới. Đa số DN Việt Nam hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, dòng vốn hạn chế và lợi nhuận tích luỹ thấp, thế nên để đầu tư vào ba yếu tố này là rất chật vật. Bởi vậy rất cần có sự hỗ trợ nguồn vốn của ngân hàng. Nhà nước cần có chính sách cụ thể sử dụng các ngân hàng thương mại để hỗ trợ DN vay vốn dài hạn khi đầu tư vào nhân lực và công nghệ với lãi suất ưu đãi. Hơn nữa điều kiện tín dụng cũng không thể áp dụng như DN sản xuất bình thường. Ví dụ tài sản thế chấp sẽ không nên trở thành vấn đề bắt buộc đối với DN sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới mà phải nhìn vào hiệu quả kinh doanh. Các cơ quan chức năng cũng cần tạo điều kiện cho DN cải thiện chỉ số ESG (bộ tiêu chuẩn đánh giá yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của DN đến cộng đồng) và báo cáo phát thải khí nhà kính. Đây là hai chỉ số bắt buộc được đưa vào trong báo cáo tài chính tới đây. Nghĩa là từ 2026, nếu DN muốn lên sàn chứng khoán, muốn phát hành trái phiếu hoặc muốn xuất khẩu hàng hóa sang EU bắt buộc phải đảm bảo báo cáo tài chính trong đó có hai chỉ số này đạt chuẩn.
* Như ông nói, cần phải chú trọng đầu tư vào đội ngũ trí thức. Vậy phải bắt tay vào kế hoạch dài hơi này thế nào?
– TP.HCM có thể tham khảo mô hình Viện Nghiên cứu Phát triển và Ứng dụng Công nghệ Quốc gia Đài Loan (NTUST – Taiwan Tech) thuộc Chính phủ Đài Loan và được giao hai nhiệm vụ chính. Thứ nhất, tìm kiếm công nghệ mới, vật liệu mới để chuyển giao cho DN. Thứ hai, Taiwan Tech phải phối hợp với DN và để đào tạo kỹ sư. Chẳng hạn, nhận định AI sẽ cần hàng vạn kỹ sư nên Taiwan Tech phải tổ chức đào tạo đội ngũ tạo nên trí tuệ nhân tạo ngày một tinh vi. Từ nhiều năm trước, Đài Loan đã chỉ định một DN trong nước qua Mỹ mua lại một công ty sản xuất chíp phá sản và đã đưa hàng trăm kỹ sư vào Mỹ làm trong nhà máy đó cùng với kỹ sư và công nhân Mỹ, vì thế họ học được công nghệ ấy của Mỹ. Rồi họ đem công nghệ từ nhà máy đó về Đài Loan. Nhờ thế Đài Loan đã trở thành nơi sản xuất chip hàng đầu thế giới, trong đó có TSMC dẫn đầu toàn cầu. Trong khi Mỹ đến giờ phải tăng tốc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Điều cần phải lưu ý là Taiwan Tech có được đặc quyền không bị “bắt lỗi” nếu nghiên cứu công nghệ mới không thành công.
Với TP.HCM, thành lập trường đại học hay Viện Khoa học – Công nghệ Quốc gia thì bản chất cũng giống nhau. Đây là nơi phát minh công nghệ mới, hỗ trợ DN chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ. Đặc biệt đây sẽ là nơi đào tạo đội ngũ kỹ sư công nghệ – nguồn nhân lực bậc cao cho Thành phố và cho đất nước.
* Theo ông, trước mắt TP.HCM nên tập trung vào phát triển mảng kinh tế nào để tăng trưởng cũng như tạo nên sức hấp dẫn về môi trường đầu tư?
– Theo tôi, hiện tại hay tương lai gần, TP.HCM nên tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực trí thức và đẩy mạnh dịch vụ du lịch. TP.HCM cũng có thể đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết vùng để phát triển du lịch đường sông và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch khác. Đặc biệt, một thành phố năng động như TP.HCM cũng cần có các chính sách riêng về thuế, phí. Như ở Monaco – một công quốc nhỏ bé nằm bên bờ Địa Trung Hải lại thu hút các tỷ phú đến sinh sống là vì từ bao năm trước họ đã miễn thuế thu nhập cá nhân và miễn thủ tục thị thực.